Chiến thắng quan trọng của phong trào chống xét lại lịch sử trong thời điểm quyết định.

Chiến thắng quan trọng của phong trào chống xét lại lịch sử trong thời điểm quyết định.

Cuộc đấu tranh chống xét lại, viết lại lịch sử dân tộc nói chung và lịch sử Cách mạng Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975 nói riêng đang bước vào giai đoạn bước ngoặc có tính quyết định thì chúng ta đón nhận một tin vui, một tín hiệu đáng mừng: Quan điểm phản động mang tính xét lại lịch sử của Thiếu tướng Lê Văn Cương khi cho rằng “Về nguyên tắc và thực tế, trong giai đoạn 1955 – 1975 trên lãnh thổ Việt Nam đã tồn tại hai quốc gia độc lập là VNDCCH với thủ đô là Hà Nội và VNCH với thủ đô là Sài Gòn. Hai quốc gia này có tư cách pháp nhân, pháp lý và được sự thừa nhận của quốc tế” đã chính thức được gỡ bỏ khỏi bài báo phỏng vấn tướng Cương trên Thanh niên online cách đây ít lâu.

Như chúng ta đều đã biết, trong bài báo thể loại phỏng vấn, trao đổi có tựa đề “Không một quốc gia nào công nhận chủ quyền Trung Quốc đối với Hoàng Sa” do phóng viên Trường Sơn thực hiện, đăng trên Thanh niên online ngày 26/5/2014, tướng Cương khi ấy đã nêu quan điểm VNCH là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, được quốc tế thừa nhận nhằm chính danh cho ngụy quyền Sài Gòn, rửa mặt cho bọn tay sai bán nước và đề nghi tôn vinh 74 tên lính ngụy tử trận trong ngụy chiến Hoàng Sa tháng 1/1974 nhằm rửa tội cho ngụy quân Sài Gòn.

Phần cuối bài phỏng vấn thể hiện quan điểm phản động, xét lại, viết lại, lật sử của Lê Văn Cương có nội dung đầy đủ như sau:

“…* Thưa ông, đã hơn 40 năm kể từ khi quần đảo Hoàng Sa bị TQ dùng vũ lực tấn công, chiếm đóng (1.1974) nhưng dường như đến nay chúng ta vẫn có những sự dè dặt nào đó khi đánh giá về sự kiện này. Theo ông đâu là nguyên nhân?

– Đúng là từ nhiều năm qua chúng ta vẫn có một sự thận trọng nhất định khi đánh giá về sự kiện xảy ra ở Hoàng Sa năm 1974. Sự thận trọng ấy có phần liên quan đến việc khi TQ nổ súng tấn công Hoàng Sa thì quần đảo này đang dưới sự quản lý của chính quyền VNCH.

Tuy nhiên, nếu xét về bản chất thì sự hy sinh của binh lính VNCH ở Hoàng Sa 1974 là sự hy sinh xương máu của người Việt Nam để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng trước những kẻ ngoại xâm.

Về nguyên tắc và thực tế, trong giai đoạn 1955 – 1975 trên lãnh thổ Việt Nam đã tồn tại hai quốc gia độc lập là VNDCCH với thủ đô là Hà Nội và VNCH với thủ đô là Sài Gòn. Hai quốc gia này có tư cách pháp nhân, pháp lý và được sự thừa nhận của quốc tế.

Tuy đã muộn nhưng có lẽ từ nay báo chí hay các văn bản chính thức chúng ta nên gọi đúng “chính danh” ấy thay vì cách gọi cũ trong thời chiến. Nói như vậy để thấy là VNDCCH hay VNCH thì đều có chung gốc mẹ là Việt Nam. Việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng là trọng trách của người Việt Nam nói chung không phân biệt lựa chọn chính trị của anh là như thế nào.

Nhận thức ấy có lẽ cần phải có từ lãnh đạo cấp cao. Cần có sự mạch lạc và rõ ràng trong tư duy và nhận thức chúng ta mới không rơi vào những lưỡng lự, né tránh và cuối cùng lại quy vào “nhạy cảm”. Ở đây là câu chuyện về khoa học pháp lý, khoa học chính trị. Đã là khoa học thì phải khách quan.

Chính vì lý do ấy mà tôi cho rằng chúng ta cần nhìn nhận và có những đánh giá thích đáng đối với những hy sinh của sĩ quan, binh lính VNCH trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền ở Hoàng Sa năm 1974. Cần xem đó là sự hy sinh xương máu để bảo vệ mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc do cha ông để lại trước giặc ngoại xâm.

Việc vinh danh thế nào, ở thời điểm nào, hình thức và mức độ ra sao thì còn phải bàn tính để có sự đồng thuận nhưng rõ ràng sự hy sinh của những người lính VNCH phải được ghi nhận. Câu chuyện Hoàng Sa 1974 cần phải được ghi lại vào lịch sử Việt Nam.”.

Thế là sau hơn 7 năm (từ 26/5/2014 đến nay), bài trả lời phỏng vấn của Thiếu tướng Lê Văn Cương tuyên truyền những quan điểm phản động, có tính chất xét lại lịch sử cách mạng Việt Nam giai đoạn 1945 -1975 đã được gỡ bỏ nội dung sai trái đó.

Với việc gỡ bỏ đoạn phỏng vấn nêu trên cho chúng ta thấy rằng quan điểm công nhận tính chính danh cho VNCH, coi VNCH là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, được quốc tế thừa nhận và mưu toan tôn vinh, vinh danh 74 tên lính ngụy tử trận trong ngụy chiến Hoàng Sa tháng 1/1974 đã không còn đất sống, không có cơ sở lý luận và thực tế để tồn tại.

Việc báo Thanh niên online gỡ bỏ đoạn phỏng vấn chứa đựng nội dung có quan điểm phản động, có tính xét lại lịch sử nêu trên tôi nghĩ đó phải là ý chí của tướng Cương muốn từ bỏ nó khi đã nhận ra đây là quan điểm sai lầm của bản thân cùng với sự giúp sức trong chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương. Nếu đúng vậy thì chúng ta nên ghi nhận tinh thần cầu thị, biết nhận ra sai lầm kịp lúc để sửa sai và vui mừng vì trong đội ngũ những người Cộng sản không mất đi một người có bề dày cống hiến cho Đảng, cho Cách mạng như thiếu tướng Lê Văn Cương. Bên cạnh đó, chúng ta cũng rất vui mừng, tin tưởng khi Ban Tuyên giáo Trung ương đã vào cuộc, bước đầu thực hiện được chức năng, nhiệm vụ nắm bắt dư luận xã hội, định hướng thông tin trước những vấn đề nóng, gây ly tán lòng dân, chia rẽ sâu sắc trong đời sống xã hội bấy lâu nay.

Từ việc này, chúng ta hy vọng anh hùng LLVTND, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước hãy noi theo gương thiếu tướng Lê Văn Cương, dám dũng cảm nhìn nhận sai lầm, biết từ bỏ quan điểm phản động, có tính xét lại lịch sử của bản thân mình kịp lúc trước khi quá muộn. Đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương hãy giúp tướng Thước có đủ dũng khí của một anh hùng, phối hợp với ông cùng hành động để những bài báo có quan điểm phản động, mang tính xét lại, viết lại lịch sử trên Thanh niên online ngày 7/1/2014 và trên Dân trí online ngày 22/5/2015 được gở bỏ. Đó là mong muốn chung của đông đảo những người yêu nước chân chính.

Thiếu tướng Lê Văn Cương chưa từng là ủy viên Trung ương Đảng, chưa phải là một anh hùng LLVTND nhưng đã làm được điều mà không phải ai cũng dễ dàng làm được: Từ bỏ quan điểm, chính kiến của mình khi nhận ra đó là quan điểm sai lầm, phản động.

Ông, một anh hùng LLVTND, người từng có thời gian dài là ủy viên Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội, Tư lệnh một Quân khu quan trọng, phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam không lẽ lại không muốn làm một việc ích nước, lợi dân, thể hiện lòng kiên trung với Đảng, với chế độ hay sao?

Chúng tôi, những người con dân nước Việt đang chống xét lại, viết lại lịch sử nước nhà, bảo vệ sự thật chính nghĩa của lịch sử dân tộc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong đời sống xã hội tuyên bố với ông rằng, đây là quan điểm phi Mác xít, trái với tư tưởng Hồ Chí Minh, một quan điểm phản động, có tính xét lại, viết lại lịch sử được ký tên đóng dấu tên tuổi của ông đang thách thức dư luận quần chúng nhân dân chân chính:

“…Năm 1974, Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Nhiều người lính phía Việt Nam Cộng hòa khi đó đã chống lại.

Có hai quan điểm rất khác nhau. Có ý kiến cho rằng những người lính như vậy không thể là những người yêu nước được vì họ là người lính ngụy. Nhưng tôi cho rằng đó là những người yêu nước. Hoàng Sa là mảnh đất của Việt Nam, ai đến xâm phạm mảnh đất đó thì những người Việt Nam nào chống lại kẻ xâm lược đó đều là những người yêu nước.

Không thể nói những người cộng sản chống ngoại xâm là yêu nước còn người lính ngụy chống ngoại xâm lại không phải yêu nước…”.

Chính vì ảnh hưởng của những quan điểm lật sử phản động này của ông khi hơn 7 năm nay nó vẫn hiện diện trên mạng xã hội tiêm nhiễm vào đầu óc của bao thế hệ người Việt Nam từ trẻ tới già nên chúng tôi cần ông hành động có trách nhiệm để thể hiện mình là người có tinh thần cầu thị, biết lắng nghe nhân dân, biết nhận ra và sửa chữa kịp thời những sai lầm trước khi quá muộn. Nếu không bánh xe lịch sử và quần chúng nhân dân sẽ không bao giờ tha thứ cho ông khi những quan điểm phản động này vẫn hàng ngày trêu ngươi, thách thức dư luận.

Cũng như đối với thiếu tướng Lê Văn Cương, chúng tôi không mong muốn trong đội ngũ những người Cộng sản lại mất đi một anh hùng, một người có bề dày cống hiến cho Đảng, cho Cách mạng như ông.

Ngày hôm nay, khi quan điểm phản động của Thiếu tướng Lê Văn Cương mà bấy lâu những người đấu tranh chống xét lại, viết lại lịch sử, bảo vệ sự thật, tính chính nghĩa của lịch sử dân tộc luôn kiên định, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bác bỏ đã được giải quyết, đó cũng chính là chiến thắng quan trọng của phong trào chống xét lại lịch sử trong thời điểm có tính quyết định.

Nhưng suy cho cùng, chiến thắng này là chiến thắng của lòng dân và là chiến thắng thuộc về nhân dân.

Trịnh Lê Hoài Nam (Trần Hải Yến) 

Trịnh Hoài Nam

Trịnh Hoài Nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error

Enjoy this blog? Please spread the word :)