Đề Nghị Của Một Giáo Dân – Khi Đức Tin Bị Thử Thách Ta Phải Làm Gì? Nguyễn Trọng Nghĩa
Trong đời sống đức tin không ít lần đức tin chúng ta bị thử thách, chúng ta phải làm gì để tiến đến sự hoàn thiện về đức tin và hoàn thiện nhân cách bản thân?
Suy cho cùng đức tin là công cụ giúp chúng ta hướng đến chân – thiện – mỹ, hoàn thiện một con người tốt lành, nâng đỡ tinh thần của chúng ta trong cuộc sống còn nhiều khó khăn, bất trắc. Một điều chúng ta phải nghĩ và phải thay đổi đó là: Đức tin của chúng ta có cực đoan hay không và ta có cần thay đổi những điều chưa đúng trong đức tin truyền thống hay không?
Chúng ta là con người có trí khôn và cầu xin ơn khôn ngoan hằng ngày thì liệu chúng ta sẽ để ngoài tai hay nhắm mắt cho qua những tệ đoan trong tín ngưỡng, những điều chưa tốt trong giáo hội, những tín lý không còn phù hợp với những hiểu biết ngày càng sâu – rộng của loài người hay những nghiên cứu lịch sử chứng minh cái sai trong tín lý – lịch sử – khoa học – giáo dục…. và ngay cả giáo luật hay quan điểm của giáo hội địa phương trong các vấn đề truyền giáo hay chính trị.
Ngày nay đức tin chúng ta đứng trước các thử thách sau đây: Kinh thánh (xin không bàn về tân ước), giáo lý – giáo luật và tư tưởng cực đoan của giáo hội – giáo dân địa phương.
Đây là sách tôi đọc. Ngoài ra, trang chungnhanduckito.net cũng được xử dụng để tham khảo cựu ước.
I. KINH THÁNH:
Chúng ta thể hiện đức tin bằng cách đọc kinh tin kính hàng ngày và vì vậy việc chúng ta bám sát vào kinh thánh mà qua đó lời Chúa được thể hiện, và cũng qua đó nhiều câu hỏi buộc ta phải đi đến ngọn ngành được nhiều người khác tín ngưỡng hoặc không tín ngưỡng đặt ra. Tôi xin nêu một số “vấn đề” nhiều người đặt ra để thử thách đức tin chúng ta:
1. Sách Sáng thế:
Xin bắt đầu bằng đoạn đầu của kinh tin kính: “Tôi tin kính đức Chúa trời là cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất…”
Câu hỏi 1: Sách sáng thế ghi chép việc Chúa tạo dựng trời đất muôn vật trong 6 ngày. Chúng ta ghi nhận ngày đầu tiên Chúa đã tạo ra ánh sáng để tách biệt với bóng tối nhưng phải đến ngày thứ tư chúng ta mới nhận biết việc tạo dựng “…những vầng sáng để phân rẽ ngày với đêm, để làm dấu chỉ xác định các đại lễ, ngày và năm…. Thiên Chúa làm ra hai vầng sáng lớn: vầng sáng lớn hơn để điều khiển ngày, vầng sáng nhỏ hơn để điều khiển đêm…”. Vậy, theo kiến thức và nhận biết của chúng ta thì ánh sáng thì phải do mặt trời phát ra nhưng theo kinh thánh thì ánh sáng có trước và mặt trời có sau, chúng ta phải giải thích như thế nào?
Câu hỏi 2: Ở bốn ngày tạo dựng đầu tiên chúng ta luôn thấy câu “qua một buổi chiều và một buổi sáng đó là ngày thứ nhất, hai, ba, tư…” nhưng vấn đề là nếu mặt trời được tạo dựng ngày thứ tư thì sẽ không có buổi chiều và buổi sáng của những ngày đầu tiên này, chúng ta sẽ giải thích như thế nào?
Câu hỏi 3: Ngày thứ tư Chúa tạo các vầng sáng “…để làm dấu chỉ xác định các đại lễ…” nhưng lúc đó Chúa cũng chưa có ý nghĩ tạo dựng con người thì các đại lễ mà Chúa nói là những đại lễ gì? Vì theo sự dạy dỗ của giáo hội tất cả các đại lễ đều có lịch sử và ý nghĩa, trên hết thì các đại lễ đều xuất hiện sau quá trình tạo dựng, vậy việc tạo các vầng sáng để xác định các đại lễ giống như là sẽ biết trước chắc chắn có các đại lễ. Điều này rõ ràng có gì đó chưa hợp lý?
Câu hỏi 4: Kinh thánh ghi nhận con rắn là do Chúa tạo ra chứ không phải theo cách lý giải của nhiều người rằng đó là hiện thân của Satan “Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng, mà Đức Chúa là Thiên Chúa đã làm ra…” Vậy cách lý giải rắn là hiện thân của Satan không còn đúng khi chính kinh thánh khẳng định con rắn là do Chúa tạo ra, liệu chúng ta phải giải thích một cách rõ ràng hơn về con rắn?
Câu hỏi 5: Kinh thánh không ghi chép những sai phạm của Cain trong quá trình trồng trọt nhưng lại cho rằng Cain không đẹp lòng Chúa nên Chúa không nhận của lễ của ông mà chỉ nhận của Aben. Điều này làm nhiều người có cảm xúc con thương – con ghét, vấn đề này làm cho có người nghĩ Chúa thích ngành chăn nuôi hơn trồng trọt hay sự yêu thương của Chúa theo cảm tính. Chúng ta phải giải thích điều này thế nào?
Câu hỏi 6: Đoạn đối thoại giữa Chúa và Cain sau khi Cain giết em cũng là một vấn đề: “…Giờ đây ngươi bị nguyền rủa….phiêu bạt trên mặt đất”. Cain thưa với Chúa: “Hình phạt ngài dành cho con quá nặng….. sẽ phải lang thang trên mặt đất, và bất cứ ai gặp con sẽ giết con”. Đức Chúa phán với ông: “không đâu! Bất cứ ai giết Cain sẽ bị trả thù gấp bảy.” Chúng ta phải giải thích cụm từ “bất cứ ai” này như thế nào khi mà lúc đó chỉ có vợ chồng A Đam – E va và Cain? Nhiều người đặt nghi vấn rằng có nhiều dân tộc khác cũng sống xung quanh đó nên Chúa và Cain mới cảm nhận được số đông mà dùng cụm từ “bất cứ ai”.
Câu hỏi 7: Cụm từ “bất cứ ai ở câu hỏi trên sẽ giải thích cho việc Cain lấy vợ rồi sinh con vì cho đến lúc này kinh thánh không nói hai vợ chồng tổ phụ có sinh thêm con hay không. Vì nếu hai vợ chồng tổ phụ chưa sinh thêm con gái thì việc Cain lấy vợ sẽ như thế nào khi cả thế giới lúc bấy giờ chỉ ghi nhận sự tồn tại của ba người. Vậy chỉ khi ta chấp nhận cụm từ “bất cứ ai” ở câu hỏi trên thì mới có thể lý giải việc lấy vợ của Cain, nhưng nếu như vậy thì ta lại vướng vào một câu hỏi khác là: Vợ của Cain là con gái thuộc một nguồn gốc khác ngoài hai ông bà tổ phụ?
Câu hỏi 8: Nếu ta chấp nhận cụm từ “bất cứ ai” để giải thích nguồn gốc vợ của Cain thì việc “Tội tổ tông” sẽ không ảnh hưởng đến phía nhà vợ của Cain vì đâu có cơ sở khẳng định nhà vợ Cain có “Tội tổ tông”?
Câu hỏi 9: Nếu ta chấp nhận cụm từ “bất cứ ai” ở trên thì ta sẽ phải chấp nhận sự tồn tại song song giữa gia đình Tổ phụ dân Do Thái và các tộc người khác xung quanh, và nếu như vậy thì Chúa không hẳn chỉ tạo ra con người là A Đam và Eva là tổ phụ dân Do Thái mà còn nhiều các dân tộc khác với các tổ phụ của những dân tộc đó. Vì thấy rằng có rất nhiều dân tộc xung quanh dân tộc Do Thái cũng có truyền thuyết tạo thiên lập địa và thờ nhiều thần khai tạo thế giới giống một phần hoặc khác với dân Do Thái. Chúng ta giải thích như thế nào về việc này?
Câu hỏi 10: Việc cưới vợ sinh con trong gia phả kể từ Cain được nghe nhiều phản biện và tìm hiểu về nguồn gốc của những bà vợ? Nếu chỉ có một tổ phụ thì việc cưới vợ sinh con trong mô tả của kinh thánh một cách chi tiết đến khớp về thời gian trưởng thành của những người con trai là không thể? Vì đoạn cuối chương 4 ghi như sau: Ông A Đam lại ăn ở với vợ bà sinh một con trai và đặt tên là Sết; bà nói: “Thiên Chúa đã sắp đặt cho tôi dòng dõi khác thay cho A ben, vì Cain đã giết nó” Ông Sết cũng sinh được một con trai và đặt tên là Ê nốt. Bấy giờ người ta bắt đầu kêu cầu danh Đức Chúa.Chúng ta thấy rất rõ là ông bà tổ phụ Do Thái không sinh thêm con gái, chỉ có 3 người con trai Cain, Aben đã chết và Sết; ông bà không sinh con gái (phải đến hơn tám trăm tuổi thì A Đam mới sinh thêm con trai và con gái) thì việc Cain lấy vợ – chấp nhận loạn luân cũng khó lý giải?
Trên thực tế kinh thánh cựu ước không được chấp nhận ở một số nơi vì những mâu thuẫn cơ bản này. Do khác biệt về ngôn ngữ, chữ viết nên chúng ta không biết nhiều về những tuyên bố từ bỏ kinh thánh cựu ước. Đã có nhiều cách lý giải kinh thánh cựu ước nhưng đa phần là gượng ép, tự bắt bản thân phải tin. Vì thế nên tới giờ những mâu thuẫn đặt ra ở trên luôn đòi hỏi có sự cải cách, chỉnh sửa từ kinh thánh đến cách giải thích. Khi giải thích kinh thánh nếu chủ quan không khéo người giải thích tự huyễn hoặc bản thân theo kiểu viết mới kinh thánh, hay viết – nói những điều ngoài kinh thánh, không đúng ý nghĩa nguyên bản của kinh thánh.
(đây là chi tiết của quyển sách mà tác giả tham khảo)
2. Những câu chuyện trong kinh thánh:
2.1. Chuyện No – ê chúc dữ con trai út Canaan vì việc nhìn thấy chỗ kín của cha và kháo láo với hai anh được nhiều đánh giá là không khoan dung và thiếu nhân đạo. Vì cũng vì việc này dòng họ Canaan luôn là nô lệ do sự nguyền rủa của cha mình và tính tham lam của người anh khi vẫn nhận em mình là nô lệ hay sự nhân từ của Chúa khi chấp nhận lời nguyền chúc dữ của No – ê. Nói chung câu chuyện này không mang tính giáo dục cao về lòng dạ khoan dung hay khiêm nhường.
2.2. Sự việc tháp Babel khiến loài người phân tán khắp mặt đất với nhiều ngôn ngữ khác nhau khiến nhiều câu hỏi đặt ra về sự sợ hãi của Chúa trước sức mạnh của con người và sự đoàn kết của họ, có ý kiến cho rằng đó là sự đố kỵ của Chúa.
2.3. Sự tích Abraham có mấy vấn đề:
a. Yave phán với Abram: “Hãy đi khỏi xứ sở ngươi, khỏi quê quán ngươi, khỏi nhà cha ngươi, đến đất ta đã chỉ cho ngươi. Ta sẽ cho ngươi thành một dân tộc lớn, ta sẽ chúc lành cho ngươi, và ta sẽ cho danh ngươi nên lớn lao, ngươi sẽ là một mối chúc lành. Ta sẽ chúc lành cho những ai chúc lành ngươi, ai mà nói động đến ta sẽ chúc dữ……”. Vấn đề đặt ra là: với quyền năng tạo thiên lập địa thì Chúa muốn vùng đất nào tốt, người nào tốt thì hẳn không cần phải bắt Abram rời khỏi quê hương của ông ấy. Riêng việc chúc lành chúc dữ thì hẳn nhiên câu “ai mà nói động đến ta sẽ chúc dữ……” sẽ trở nên ích kỷ và độc đoán.
b. Abram đến Ai Cập khi xứ này đang xảy ra đói kém, khi sắp vào Ai Cập ông nói với Sara vợ ông: “Này tôi biết mà, mình là một cô gái có nhan sắc. Dân Ai Cập vừa nhìn thấy mình ắt chúng sẽ nói: “Vợ hắn đó” và chúng sẽ giết tôi, mà để mình sống. Tôi xin mình hãy nói mình là em gái của tôi, mong tôi cũng được chúc phúc vì mình, và tính mạng tôi được sống nhờ mình…” Câu chuyện này Abram hoàn toàn không nhớ đến Chúa hoặc cầu xin quyền năng từ Chúa, có ý kiến cho rằng Chúa không hiện diện trong trường hợp này và cách làm của Abram là bất nghĩa, tham sống sợ chết, bất nhân với Pharao khi nói dối vợ là em gái mong được sống và được của cải. Câu chuyện này hoàn toàn không mang tính giáo dục.
c. Thiên Chúa phán bảo Abram “Ngươi hãy biết tỏ điều này: dòng giống ngươi sẽ ngụ nhờ nơi thửa đất không thuộc về chúng. Người ta sẽ bắt chúng làm tôi và hành hạ chúng bốn trăm năm. Những dân mà chúng phải làm tôi, ta sẽ xét xử, và sau đó chúng sẽ ra đi với nhiều của cải….”. Sao tự nhiên lại bắt dân Do Thái làm nô lệ bốn trăm năm? Nếu việc dân Do Thái phải làm nô lệ là do quyền năng của Chúa thì tội lỗi không hẳn là người chủ nô vì Chúa bắt người này làm nô lệ người kia thì sao lại đi xét xử chủ nô? Rõ ràng có điều chưa đúng! Từ đây có thể đặt thêm mấy vấn đề:
- Rõ ràng A Đam không phải là tổ phụ của tất cả các sắc dân.
- Đại hồng thủy không phải tiêu diệt hết mọi giống dân đến nỗi chỉ còn dòng họ No – ê vì người Ai Cập chắc chắn không thuộc dòng dõi ông Nô – ê. Tính vào lúc xảy ra Đại hồng thủy thì dòng dõi A Đam chỉ còn Nô – ê và gia đình ông ta. Nếu vậy thì tội tổ tông không chắc chắn là của tất cả các sắc dân khác ngoài gia đình – dòng tộc A Đam.
d. Việc ban phát đất đai do Chúa ban cho dân Do Thái – Abram thì cũng có điều chưa đúng vì hầu hết tất cả mọi vùng đất và của cải dân Do Thái có đều do đánh chiếm từ các dân tộc khác. Có thể nói rằng đó là những cuộc xâm lược và cướp bóc.Giá trị của việc ban phát từ Chúa không vững vàng trên thực tế!
đ. Tranh chấp giữa Saray vợ lớn và Hagar vợ nhỏ Abram không thể là những việc thánh thiện để chép trong kinh thánh được. Nó không mang tính giáo dục!
e. Việc ngã giá giữa Chúa và Abraham về số người tốt lành và người dữ ở Sô Đôm làm cho nhiều người cảm thấyquyền năng của Chúa hạn hẹp hoặc sự giáo dục của Chúa quá vội vàng, thường thì ta phải giáo dục để tỏ lòng nhân chứ sao lại lấy lòng phạt vạ làm chuẩn mực. Câu chuyện này không mang tính giáo dục cao về nhân nghĩa.
f. Câu chuyện tại Gơ – ra nói việc ông Apraham (tên do Chúa đặt từ tên Abram) đã lừa vua Avimelec nói bà Sara (tên do Chúa đặt từ tên Saray) rằng bà là em gái ông, do đó nhà vua đã ra lệnh bắt bà Sara và đêm đó Chúa đã cảnh báo về sự thật với nhà vua đồng thời phạt vạ nhà vua rằng tất cả con gái – phụ nữ trong toàn thành sẽ không có thai nếu nhà vua ngủ với Sara, đồng thời phải trả Sara lại cho Apraham. Đây giống như mưu kế của Chúa và Apraham gài bẫy nhà vua Gơ – ra để chiếm vàng bạc và đất đai. Vì chỉ sau khi trả Sara về đồng thời với vàng thì nhà vua buộc phải cắt đất cho Apraham. Mưu mô xảo quyệt như vậy thì khó nên thánh hay được viết vào kinh thánh.
2.4. Câu chuyện của Lot với 2 con gái trong một hang động. Cô cả nói với cô út: “Cha ta già rồi; trong xứ lại không có đàn ông nào đến với ta theo lối thường trong cả thiên hạ. Nào! Ta chuốc rượu cho cha ta uống và ta ngủ với ngài; như thế là sẽ lưu tồn dòng giống do bởi cha ta!” và họ đã chuốc rượu cho cha họ uống trong chính đêm ấy, và cô ta đến ngủ với cha mà ông không hay biết lúc nào cô nằm lúc nào cô dậy. Hôm sau cô cả nói với cô út “Này đêm qua chị đã ngủ với cha. Ta hãy chuốc rượu cha uống cả đêm nay nữa, rồi em vào ngủ với ngài………Hai con gái của Lot đã có thai với ông….” Câu chuyện này được cho là hết sức tệ hại vì 2 cô gái này đâu cần gấp gáp khi các cô vẫn còn trẻ; phần cha cô vẫn có thể lấy vợ để duy trì nòi giống. Tình tiết loạn luân này không mang tính giáo dục mà còn phản giáo dục, kích động loạn luân.
2.5. Chuyện của Isaac và Gia – cop:
a. Khi vợ Isaac là Rê – bê – ca có thai song sinh. Các đứa con trong lòng bà đụng nhau nên bà kêu lên “Nếu vậy thì tại sao tôi thế này?” Chúa phán với bà “Có hai dân tộc trong lòng ngươi, hai dân từ dạ ngươi sinh ra sẽ chia rẽ nhau. Dân này sẽ mạnh hơn dân kia, đứa lớn sẽ làm tôi đứa bé”. Ý kiến cho rằng việc làm này của Chúa với mục đích gì, vì ngay cả việc chia rẽ nhau giữa anh em cũng là do Chúa sắp đặt, có vẻ như mọi việc đều do Chúa việc thiện lẫn việc ác?
b. Gia cóp đã lợi dụng lúc anh trai Ê – sau mệt và đói để lừa lấy quyền trưởng nam là hành động mưu mô có suy tính và không quân tử?
c. Việc gạt nhà vua Gơ – ra của Isaac khi nói vợ mình là bà Rê – bê – ca là em gái mô phỏng giống như thời cha ông là Apraham. Việc này cũng cùng với âm mưu chiếm lấy đất Gơ – ra của vua Avimelec người Philitin. Có ý kiến cho rằng sao không thể sống chung với người Philitin mà lại chiếm đất của họ khi mà họ đã cưu mang gần như cả hai đời dòng họ của Apraham và Isaac.
d. Việc Gia – cóp cướp sự chúc phúc của anh Ê – sau từ Isaac làm ta thấy rõ sự gian manh từ vị tổ phụ này. Đây là bài học quý và cũng không nên dạy cho mọi người? Trước lừa quyền trưởng nam sau lại cướp lời chúc phúc, đạo đức của Gia – cóp thật sự có vấn đề? Nếu Chúa công bình thì chắc rằng sẽ không chấp nhận sự chúc phúc này vì nó đã bị dơ bẩn bởi sự ích kỷ và giả dối.
Thực sự thì toàn bộ kinh thánh cựu ước có nhiều chi tiết rất khó chấp nhận, đa phần là tranh chấp trong gia đình, các việc lừa gạt chiếm đoạt, loạn luân, dâm ô…. Đa phần các tranh chấp đều do Chúa sắp xếp nên gây nên việc khó nghĩ cho nhiều người khi đọc kinh thánh. Nếu giải thích dụ ngôn thì có thể có nhiều chiều để suy diễn nhưng đây là những câu chuyện đối nhân xử thế, sinh tồn trong thời kỳ chiếm hữu nô lệ nên chắc rằng sẽ không còn hoặc cần giải thích khi mà kinh thánh diễn giải khá chi tiết rồi. Mong rằng sẽ có nhiều sự ủng hộ trong việc chỉnh sửa hoặc loại bỏ những chi tiết không phù hợp trong kinh thánh cựu ước.
Sẽ bàn nhiều hơn về phần này nhưng xin vào dịp khác, xin tạm kết thúc ở đây.