Họ đang đánh mạnh vào nền tảng tư tưởng của Đảng và đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta
Thời gian gần đây, những người khác chính kiến viết hàng loạt bài trên mạng, nhiều đến nỗi đọc không xuể, mang tính khiêu khích, đánh mạnh vào nền tảng tư tưởng của Đảng và đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Nhân đất nước đang gặp khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19, nhất là virút Delta, lây lan rất mạnh, số người lây nhiễm và số người chết tăng nhiều, họ “mượn gió bẻ măng” viết nhiều bài đánh mạnh vào nền tảng tư tưởng của Đảng và đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, cho rằng, đó là hậu quả dẫn đến Covid-19. Còn chúng tôi, những người viết phản bác lại những quan điểm sai trái, họ gọi đó là “bọn bồi bút sắc sảo” và “bọn trí thức tay sai, ăn bám”.
Một là: Họ đánh mạnh vào nền tảng tư tưởng của Đảng thể hiện ở những bài viết công kích V.I.Lênin và chủ nghĩa Mác – Lênin, chia rẽ chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa Lênin, đề cao chủ nghĩa Mác một cách giả tạo và hạ thấp chủ nghĩa Lênin. Họ cho rằng, tư tưởng của Lênin “chỉ được tung hô ở những nước có dân trí thấp thôi, và đặc biệt là phải có kèm theo chỉ số nhân quyền thấp, ví như quyền tự do ngôn luận chẳng hạn”.
Họ không biết V.I.Lênin là vị lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Người đã đưa ra khẩu hiệu nổi tiếng: “Vô sản thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại!
”.V.I.Lênin là người không bảo thủ khi ông biết xem xét một số đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản không còn phù hợp và đề ra chính sách kinh tế mới (NEP), khẳng định chính sách kinh tế mới này sẽ làm nảy nở nước Nga xã hội chủ nghĩa.
Họ hạ thấp tư tưởng Hồ Chí Minh, cho rằng, Hồ Chí Minh không có tư tưởng, chỉ là người hoạt động thực tiễn. Họ không biết rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh là giá trị văn hóa – chính trị – tinh thần của nhân dân ta, là sự kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, đó là tư tưởng đấu tranh để thoát khỏi sự áp bức, bóc lột, bất công xã hội; tư tưởng giải phóng dân tộc tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa; dân tộc gắn với giai cấp, độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.
Trên tinh thần đó, “tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”.
1. Hai là: Về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, họ phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cho rằng, chỉ có kinh tế thị trường, chứ không có kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.Họ không biết rằng, khái niệm “kinh tế thị trường” là thành quả lý luận kinh tế chung của nhân loại, trở thành văn hóa – kinh tế. Đó là toàn bộ những quan hệ kinh tế hình thành trong lĩnh vực trao đổi về tiêu thụ hàng hóa. Là một phạm trù của quan hệ hàng hóa – tiền tệ, kinh tế thị trường là cái vốn có của các hình thái kinh tế – xã hội. Quan hệ sản xuất chiếm địa vị thống trị của một phương thức sản xuất cụ thể, nhân tố quyết định sự phát triển của kinh tế thị trường. Việt Nam thêm yếu tố “định hướng xã hội chủ nghĩa”, thành “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đây cũng là đặc điểm phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời kỳ mới. Họ không biết rằng, “Đảng và Nhà nước ta chủ trương thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đó chính là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”
2. Họ không biết rằng, với chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, trong nền kinh tế thị trường cần nắm vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là một trong những vấn đề lý luận – thực tiễn quan trọng của thời kỳ đổi mới. Đây cũng là đặc điểm của Việt Nam trong tiến trình xây dựng đất nước ở thời kỳ quá độ. Định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường thể hiện ở mục tiêu phấn đấu của toàn xã hội là dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, giải phóng mạnh mẽ và không ngừng phát triển sức sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, cải thiện bộ mặt xã hội; phát triển một nền kinh tế đa sở hữu, nhiều thành phần: kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân,… trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo và kinh tế tư nhân đóng vai trò rất quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế; hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh, tiến tới đủ sức cạnh tranh với các nền kinh tế lớn trên thế giới; thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế giữa các vùng, miền sao cho phù hợp với đặc điểm của Việt Nam; kinh tế Việt Nam phải có mối liên hệ hội nhập với kinh tế thế giới, độc lập trong đa dạng, quan hệ trong nhiều chiều. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển, cùng hợp tác, cùng cạnh tranh lành mạnh, tạo thành những mắt xích quan trọng hợp thành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đa dạng hóa và nâng cao tính chủ động của các chủ thể làm kinh tế.
Họ không biết rằng, định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường còn thể hiện ở các chính sách xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng; phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và thông qua phúc lợi xã hội. Phát huy quyền làm chủ xã hội của nhân dân, phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa yêu nước trong thời kỳ mới; bảo đảm vai trò quản lý, điều tiết nền kinh tế của Nhà nước. Xây dựng cộng đồng Việt Nam trở thành cộng đồng văn minh, văn hóa, đạo đức, có lối sống lành mạnh, tất cả đều sống trong tình cảm mến thương, chan hòa.
Họ không biết rằng, định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường đòi hỏi kinh tế Việt Nam phải nâng lên tầm vóc kinh tế tri thức, phải tạo ra thế mạnh của đất nước, tiềm năng dồi dào, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.Đại hội XIII của Đảng (2021) xác định đường lối chiến lược kinh tế của Đảng là: “Đổi mới mạnh mẽ và có hiệu quả mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đẩy đủ, hiện đại, hội nhập”.
3. Văn kiện Đại hội XIII còn xác định: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, phát triển đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường, các loại thị trường. Thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ. Phát triển thị trường trong sản xuất hàng hóa để thị trường đóng vai trò quyết định trong huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực. Phát triển thị trường, hàng hóa, dịch vụ theo các phương thức tổ chức, giao dịch văn minh, hiện đại, thương mại điện tử. Phát triển đồng bộ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm,… trên nền tảng công nghệ số với kết cấu hạ tầng, công nghệ và phương thức giao dịch hiện đại. Phát triển mạnh thị trường khoa học và công nghệ. Phát triển và quản lý mạnh mẽ thị trường bất động sản và thị trường quyền sử dụng đất. Phát triển thị trường lao động linh hoạt gắn liền với cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội. Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội và xã hội nghề nghiệp tham gia hình thành và điều tiết các quan hệ kinh tế thị trường. Xử lý tốt những bất cập của cơ chế thị trường, bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái.
Trên đây là những nội dung cơ bản của chính sách kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là chính sách đúng đắn nhất để phát triển kinh tế ở Việt Nam hiện nay, nó phù hợp với nguyện vọng của nhân dân Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại.Mọi luận điệu bóp méo, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng và chính sách kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhất định bị dư luận xã hội lên án.
- Đ ĐV.
——
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật,, Hà Nội, 2021, tr. 33
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 23.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật,, Hà Nội, 2021, tr. 43.