Đề cử Nguyễn Quốc Thước để xét chọn là “Công dân Thủ đô ưu tú” liệu có xứng đáng?
Kính gửi: Ban Thi đua – Khen thưởng thành phố Hà Nội (Số 37 phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội)
Ngày 22/9/2022, Ban Thi đua – Khen thưởng (Sở Nội vụ thành phố Hà Nội) đã có công văn về việc lấy ý kiến nhân dân về dự kiến đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước và “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2022. Ngay sau đó, báo Hà Nội mới, cơ quan ngôn luận của Thành ủy Hà Nội đã kịp thời thông tin đến bạn đọc. Cùng với đó, nhiều báo đài trong nước đã đồng loạt đưa tin về nội dung này. Trong danh sách đề cử “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2022 đã xướng tên Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.
Khi đọc được thông tin này trên báo chí, tôi thực sự bàng hoàng, phẫn nộ, cũng như tôi đã từng bàng hoàng, phẫn nộ khi lần đầu tiên đọc, nghe được những bài viết và phỏng vấn Trung tướng Nguyễn Quốc Thước vinh danh, tôn vinh 74 tên lính ngụy chết ở Hoàng Sa tháng 1/1974 trên báo Thanh niên năm 2014, Báo Dân trí năm 2015 và báo Giáo dục Việt Nam năm 2019.
Càng bàng hoàng, phẫn nộ hơn khi trong phần giới thiệu thành tích của trung tướng Nguyễn Quốc Thước, công văn của Ban thi đua – khen thưởng thành phố Hà Nội đã viết: “ông luôn tâm huyết trong xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa. Kiên quyết đấu tranh các quan điểm sai trái, chống phá của các thế lực thù địch…”. Thật nực cười và khôi hài làm sao khi một người trong suốt hơn 7 năm đã truyền bá quan điểm sai trái có yếu tố xét lại, viết lại, sửa sử Cách mạng Việt Nam giai đoạn 1945-1975 trên báo chí, nhiều lần lên tiếng vinh danh, tôn vinh ngụy quân Sài Gòn, cào bằng, đánh đồng sự hy sinh xương máu của đồng bào, chiến sĩ ta đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc chống quân xâm lược Pháp, Mỹ, trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chống quân Trung quốc xâm lược ở biên giới phía bắc năm 1979, bảo vệ Biển Đảo của Tổ quốc ở Gạc Ma năm 1988 lại là người “luôn tâm huyết trong xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa. Kiên quyết đấu tranh các quan điểm sai trái, chống phá của các thế lực thù địch”. Có nghĩa là công văn của Ban thi đua – khen thưởng thành phố Hà Nội cũng đã gián tiếp coi quần chúng nhân dân đã, đang đấu tranh không khoan nhượng với quan điểm sai trái, phản động của Nguyễn Quốc Thước để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là “các thế lực thù địch”.
Tôi được biết, “Công dân Thủ đô ưu tú” là danh hiệu cao quý của thành phố Hà Nội, dành tôn vinh những cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp đặc biệt trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô, đất nước; là tấm gương sáng có sức lan tỏa trong cộng đồng xã hội. Đây là giải thưởng có uy tín lớn, có tác động tích cực, khơi dậy và phát huy tinh thần tương thân, tương ái, ý thức tự giác, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội trong các tầng lớp nhân dân Thủ đô.
Với trách nhiệm của một công dân, tuy không phải là công dân Thủ đô, nhưng với mong muốn góp phần bảo vệ uy tín, gìn giữ nét đẹp văn hóa, phát huy tính tích cực mà danh hiệu cao quí “Công dân Thủ đô ưu tú” có được trong hơn 10 năm qua để những tấm gương tiêu biểu trong “vườn hoa” người tốt, việc tốt Thủ đô, thực sự là những con người sống, học tập và lao động hết mình, vì một tình yêu Hà Nội và cũng là để danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” tiếp tục phát huy tốt hiệu quả, khích lệ tinh thần thi đua ái quốc trong mọi tầng lớp nhân dân, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Thủ đô và đất nước, nên tôi thấy mình cần lên tiếng về trường hợp Nguyễn Quốc Thước.
Có lẽ Ban thi đua – khen thưởng thành phố, cơ quan Sở nội vụ thành phố và lãnh đạo Thủ đô chưa nắm được dư luận quần chúng nhân dân phản ứng về Nguyễn Quốc Thước trong ròng rã 8 năm qua, kể từ năm 2014, khi ông ta có những phát ngôn sai trái về việc tôn vinh ngụy quân Sài Gòn đầu tiên trên mặt báo. Đây thực sự là quan điểm đi ngược lại với quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, trái với tâm tư, tình cảm của nhân dân ta, là quan điểm có yếu tố lật sử, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng trong đời sống xã hội, mang nặng hơi hướng của chủ nghĩa dân túy. Ở đây, tôi xin cung cấp cho các đồng chí những thông tin liên quan đến nội dung này để Ban thi đua – khen thưởng, Sở Nội vụ và lãnh đạo thành phố có thêm căn cứ, dữ liệu để tham khảo trong việc nghiên cứu, xem xét trước khi đi đến quyết định cuối cùng nhằm chọn được những “Công dân Thủ đô ưu tú” thực sự xứng đáng, thực sự là những tấm gương tiêu biểu trong “vườn hoa” người tốt, việc tốt Thủ đô.
Với mục đích cung cấp thêm thông tin cho Ban thi đua – khen thưởng, Sở Nội vụ và lãnh đạo thành phố Hà Nội như đã nêu trên, tôi xin điểm lại những phát ngôn thể hiện quan điểm phản động tôn vinh cho ngụy quân nhằm chính danh cho ngụy quyền của Nguyễn Quốc Thước đước tán phát trên báo đài suốt 8 năm qua:
Thực hiện âm mưu tôn vinh cho ngụy quân để tiến tới chính danh cho ngụy quyền, ngày 6/01/2014, trên chuyên mục “40 năm hải chiến Hoàng Sa” của Báo Thanh niên, Tiến sĩ Nguyễn Nhã đã thể hiện quan điểm: “Cần vinh danh những người hy sinh khi bảo vệ Hoàng Sa”. Đây có thể coi là quan điểm rõ ràng nhất được phát ngôn đầu tiên bởi những người trong nước đòi tôn vinh những tên lính ngụy chết tại Hoàng Sa ngày 19/01/1974 trong một kịch bản gọi là “hải chiến” dàn dựng để bán biển đảo Tổ quốc ta một cách hợp pháp, qua mặt dư luận giữa Mỹ, cha đẻ của ngụy quyền Sài Gòn tay sai bán nước và Trung Quốc, bởi toan tính lợi ích riêng của hai ông lớn.
Trong bài trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Thanh niên, Tiến sĩ Nguyễn Nhã, người ủng hộ nhiệt thành cho xét lại lịch sử, đòi bỏ từ “ngụy” trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta giai đoạn 1954-1975 phát biểu: “Tôi từng đề nghị vinh danh những ai hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa”.
Nguyễn Nhã cho rằng “nhân dịp 40 năm trận Hải chiến Hoàng Sa, việc vinh danh những con người đã từng ngã xuống bảo vệ Hoàng Sa là cần thiết, để từ đó đoàn kết dân tộc nhằm đòi lại chủ quyền vùng đảo thiêng liêng này”.
Ngay sau bài phỏng vấn Tiến sỹ Nguyễn Nhã, cũng chính trong chuyên mục “40 năm hải chiến Hoàng Sa”, ngày 7/01/2014, trả lời phóng viên Mai Hà của Báo Thanh niên, Trung tướng Quân đội Nguyễn Quốc Thước, nguyên UVTW Đảng, nguyên Đại biểu Quốc hội, nguyên phó Chủ tich Hội Cựu chiến binh Việt Nam, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 24A/Mặt trận Tây Nguyên đã dõng dạc tuyên bố: “Cần tôn vinh những quân nhân VNCH chống ngoại xâm”. Bài báo đã viết: “Chia sẻ cảm nhận về sự hy sinh của những người lính Việt Nam Cộng hòa tháng 01.1974, trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, cho rằng cần thiết phải tôn vinh tinh thần yêu nước của người lính VNCH chống ngoại xâm”, “Theo ông, lên án chế độ VNCH là chuyện khác, nhưng tôn vinh tinh thần yêu nước của người lính VNCH chống ngoại xâm là cần thiết, hai điều này hoàn toàn khác nhau”. Đồng thời ông còn nhấn mạnh, không chỉ tôn vinh 74 tên lính ngụy chết ở Hoàng Sa tháng 01/1974 mà tướng Thước còn cho rằng cả việc những nhân vật chóp bu như Nguyễn Văn Thiệu, các tướng lĩnh, chỉ huy Hải quân ngụy quân Sài Gòn đã ra lệnh “đưa người ra chiến đấu giữ Hoàng Sa tháng 01.1974” cũng “là hành động yêu nước, hành động chính nghĩa và cần được Nhân dân ghi nhận”. Ông hùng hồn tuyên bố: “Hành động của người lính VNCH bảo vệ chủ quyền, đưa người ra chiến đấu giữ Hoàng Sa tháng 01.1974, không để một thế lực nước ngoài nào vào xâm lược mảnh đất của Tổ quốc là hành động yêu nước, hành động chính nghĩa và cần được nhân dân ghi nhận”. Như vậy, không những nêu quan điểm “cần tôn vinh những quân nhân VNCH chống ngoại xâm” mà ẩn trong nội dung câu nói của ông ta có thể hiểu, đó còn là lời đề nghị “ghi nhận tinh thần yêu nước, hành động chính nghĩa” của Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu, của giới lãnh đạo chóp bu ngụy quyền Sài Gòn và cả những tên tướng, tá chỉ huy Hải quân của ngụy quân Sài Gòn cũng phải được “ghi nhận” và “tôn vinh” trong sự kiện này.
5 năm sau, khi dư luận lên tiếng phản bác mạnh mẽ quan điểm phản Cách mạng này, buộc tướng Thước phải đề nghị Báo Thanh niên chỉnh sửa lại bài phỏng vấn. Thế nhưng Báo Thanh niên đã không làm như vậy mà chỉ đồng ý sửa lại tựa bài báo là “Bảo vệ Hoàng Sa tháng 1/1974 là hành động yêu nước cần được ghi nhận” vào ngày 01/11/2019, nhưng nội dung bài báo vẫn giữ nguyên như cũ, không có gì thay đổi.
Chưa dừng lại ở phát ngôn đòi tôn vinh ngụy quân tháng 01/2014 trên Báo Thanh niên, ngày 22/5/2015, khi trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Dân trí trong bài “Họ đang muốn xây dựng Trung Quốc thứ 2 trên Biển Đông”, ông một lần nữa khẳng định: “Năm 1974, Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Nhiều người lính phía Việt Nam Cộng hòa khi đó đã chống lại. Có hai quan điểm rất khác nhau. Có ý kiến cho rằng những người lính như vậy không thể là những người yêu nước được vì họ là người lính ngụy. Nhưng tôi cho rằng đó là những người yêu nước. Hoàng Sa là mảnh đất của Việt Nam, ai đến xâm phạm mảnh đất đó thì những người Việt Nam nào chống lại kẻ xâm lược đó đều là những người yêu nước”. Trong bài trả lời phỏng vấn này, do mù mờ về lịch sử, nhận thức chính trị yếu kém hay do hồ đồ trong lý luận mà ông đã phán một câu rất mơ hồ về chính trị và lệch lạc trong quan điểm lịch sử rằng: “Không thể nói những người Cộng sản chống ngoại xâm là yêu nước còn người lính ngụy chống ngoại xâm lại không phải yêu nước”. Đây là quan điểm phi Macxit mà một tướng lĩnh Quân đội dày dạn kinh nghiệm, một người có trình độ cao cấp lý luận chính trị như ông không lẽ nào lại quên, lại không đủ nhận thức đúng sai?
Bài phỏng vấn này được đăng trên Báo Dân trí có cả bài viết ghi lại nội dung cuộc phỏng vấn và clip ghi âm lời phát ngôn của ông trong cuộc phỏng vấn này.
Tiếp đến, một lần nữa quan điểm tôn vinh, vinh danh sự “hy sinh” của 74 tên lính ngụy chết ở Hoàng Sa tháng 01/1974 lại được tiếp thêm bởi liều đô pinh mới nguy hiểm hơn. Đúng dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng bảo vệ biên giới phía bắc 17/2/1979-17/2/2019, ngày 13/2/2019, báo Giáo dục Việt Nam đăng bài viết của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước có tựa đề “Nhìn lại cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, để một ngày sẽ lấy lại Hoàng Sa”. Bài viết này tiếp tục thể hiện quan điểm “Cần tôn vinh 74 tên lính ngụy chết ở Hoàng Sa tháng 1/1974” mà trước đó vào các năm 2014, 2015 Báo Thanh niên, Dân Trí đã đăng ý kiến của ông về vấn đề này cùng một số báo khác dẫn link hoặc sao chép để đăng lại, trong đó có rất nhiều những tờ báo phản động từ nước ngoài. Đặc biệt nguy hiểm ở chỗ, bài báo này đã cào bằng, đánh đồng sự hy sinh xương máu của đồng bào, chiến sĩ ta đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc chống quân xâm lược Pháp, Mỹ và trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc với quân Trung quốc xâm lược ở biên giới phía bắc năm 1979, bảo vệ Biển Đảo của Tổ quốc ở Gạc Ma năm 1988 với cái chết của 74 tên lính ngụy tại Hoàng Sa ngày 19/01/1974 trong một kịch bản gọi là “hải chiến” dàn dựng để bán biển đảo Tổ quốc ta một cách hợp pháp, giữa Mỹ và Trung Quốc, mà kẻ thực hiện là bè lũ tay sai bán nước ngụy quyền Sài Gòn.
Thông qua bài viết, tướng Thước đã tiếp tục nêu quan điểm: “Hàng vạn liệt sĩ, đồng bào nằm xuống năm 1978, 1979 để bảo vệ biên cương cũng như xương máu của con em Đất Việt đổ xuống vì sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc ở Hoàng Sa năm 1974, Trường Sa năm 1988 cần được tôn vinh, tri ân như đồng bào, chiến sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ” và “Có tuyên dương, vinh danh xứng đáng những người ngã xuống vì Tổ quốc trên biên giới năm 1978, 1979 hay ngoài hải đảo năm 1974, 1988, thì các thế hệ sau này mới thấm được tinh thần bảo vệ Tổ quốc của cha anh và trách nhiệm của mình. Điều này cần phải được đưa vào sách giáo khoa để giáo dục cho các thế hệ trẻ”.
Gần 01 năm sau, khi dư luận bức xúc lên án, tướng Thước đã cậy nhờ vào “mối quen biết thân tình như người nhà” với Ban biên tập báo Giáo dục để tờ báo cắt bỏ phần được dẫn nêu trên và ghi chú lại đây là bài viết “ghi theo lời kể, chia sẻ của trung tướng Nguyễn Quốc Thước”. Tuy nhiên phải khẳng định đây chính là bài viết của tướng Thước và ông hoàn toàn biết bài báo đăng những gì vì ngay sau khi báo đăng ngày 13/2/2019 thì ngày 14/2/2019 tướng Thước đã chia sẽ bài báo này về trang fb chính danh mang tên Nguyễn Quốc Thước và nó nằm trên trang cá nhân của ông gần một năm. Trang fb này đã được tạp chí Tuyên giáo, cơ quan ngôn luận của Ban Tuyên giáo Trung ương xác định chính là tài khoản của ông, chứ không hề là của một ai khác và do ai khác sử dụng.
Với những dẫn chứng nêu trên, có thể khẳng định, những phát ngôn nhằm đề cao lòng yêu nước của ngụy quân Sài Gòn, thể hiện ý chí muốn tôn vinh ngụy quân Sài Gòn, cào bằng, đánh đồng sự hy sinh xương máu của đồng bào, chiến sĩ ta đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc chống quân xâm lược Pháp, Mỹ, trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chống quân Trung quốc xâm lược ở biên giới phía bắc năm 1979, bảo vệ Biển Đảo của Tổ quốc ở Gạc Ma năm 1988 không phải là quan điểm có tính chất nhất thời, hồ đồ trong một phút cao hứng bốc đồng mà nó thực sự là quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong tư tưởng của Nguyễn Quốc Thước.
Quan điểm này đã được một số cơ quan báo chí, truyền thông có uy tín như Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt nam, Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Tuyên giáo, VTV, Báo QĐND, Cổng thông tin điện tử của Hội đồng lý luận Trung ương…đăng bài vạch mặt, chỉ tên, khẳng định là quan điểm xét lại, viết lại, sửa sử Cách mạng Việt Nam giai đoạn 1945-1975, đi ngược lại quan điểm của Đảng, Nhà nước mà các thế lực thù địch đang sử dụng để tuyên truyền thực hiện âm mưu lật sử dân tộc với bước đi hết sức thâm độc là tôn vinh ngụy quân Sài Gòn để tiến tới chính danh cho ngụy quyền Sài Gòn, tấn công trực diện vào nền tảng tư tưởng của Đảng trong xã hội. Có thể dẫn ra đây một ví dụ: Trong chương trình “Đối diện” của VTV phát song ngày 28/8/2019 với chủ đề “những thủ đoạn gây bất ổn xã hội” đã minh định rất rõ ràng:
“Một số luận điểm sai trái còn tôn vinh quân đội VNCH. Trong khi đây là đội quân đã nhận tiền của ngoại bang để chống lại lợi ích dân tộc và nhân dân Việt Nam. Đây là sự xúc phạm lớn với nhân dân Việt Nam và với hàng triệu anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho nền độc lập, tự do hôm nay”.
Như thế, những phát ngôn của Nguyễn Quốc Thước đã dẫn ra ở trên thể hiện rõ nét quan điểm xét lại lịch sử cực kỳ phản động, nguy hiểm, đi ngược lại đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, của Chủ nghĩa Mác – Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và không thuận lòng dân. Điều đó được thể hiện rõ nhất trên 03 nội dung:
1. Cổ súy cho tôn vinh, vinh danh ngụy quân nhằm chính danh cho ngụy quyền: Thể hiện ở việc âm mưu tôn vinh những tên lính ngụy chết tại Hoàng Sa ngày 19/01/1974 trong một kịch bản gọi là “hải chiến” dàn dựng giữa Mỹ và Trung Quốc.
2. Truyền bá quan điểm phi Macxit mà thực chất là cổ súy cho quan điểm của chủ nghĩa dân túy phản động “họ yêu nước theo cách riêng của họ”: Thể hiện ở việc cho rằng “Không thể nói những người Cộng sản chống ngoại xâm là yêu nước còn người lính ngụy chống ngoại xâm lại không phải yêu nước”.
3. Phủ nhận, vô hiệu hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc, độc lập, tự do, thống nhất non sông, phủ định một chân lý đã được khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”: Điều này được thể hiện ở quan điểm tôn vinh ngụy quân Sài Gòn để tiến tới chính danh cho ngụy quyền Sài Gòn, nghiễm nhiên thừa nhận “VNCH là một quốc gia độc lập”.
Những quan điểm sai trái, phản động như đã dẫn ra ở trên của Nguyễn Quốc Thước đăng trên ba tờ báo Thanh niên, Dân trí, Giáo dục Việt Nam trong suốt 8 năm, thì cũng từng ấy thời gian, đông đảo quần chúng nhân dân, đặc biệt là các Cựu chiến binh phẫn nộ, lên án và đấu tranh phản bác, vạch trần một cách quyết liệt. Chính cuộc đấu tranh không khoan nhượng với ý chí, quyết tâm, sự kiên trì, nỗ lực không mệt mỏi của các tầng lớp quần chúng nhân dân trong phong trào chống xét lại, viết lại, lật sử, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong đời sống xã hội buộc Nguyễn Quốc Thước phải yêu cầu Báo Thanh niên, Dân trí, Giáo dục Việt Nam gỡ bỏ hoàn toàn các bài viết, phỏng vấn nêu trên khỏi làng báo chí Cách mạng Việt Nam vào đầu năm 2022. Lần lượt, ngày 11/01/2022, báo Dân trí gỡ clip ghi âm “Họ đang muốn xây dựng Trung Quốc thứ 2 trên Biển Đông”; tiếp đến, ngày 14/01/2022 Báo Giáo dục Việt Nam gỡ bài viết “Nhìn lại cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, để một ngày sẽ lấy lại Hoàng Sa”; sau đó, ngày 14/01/2022, Báo Thanh niên gỡ bài phỏng vấn “Cần tôn vinh những quân nhân VNCH chống ngoại xâm” và cuối cùng đến ngày 17/01/2022, báo Dân trí tiếp tục gỡ bài viết “Họ đang muốn xây dựng Trung Quốc thứ 2 trên Biển Đông”.
Trong 8 năm qua, những quan điểm lật sử phản động vinh danh lính ngụy của Nguyễn Quốc Thước hiện diện trên báo chí đã tiêm nhiễm vào đầu óc của bao thế hệ người Việt Nam từ trẻ tới già. Ngày hôm nay, khi quan điểm phản động của Nguyễn Quốc Thước mà bấy lâu những người đấu tranh chống xét lại, viết lại lịch sử, bảo vệ sự thật, tính chính nghĩa của lịch sử dân tộc luôn kiên định, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bác bỏ đã được giải quyết, đó không chỉ là chiến thắng của phong trào chống xét lại lịch sử mà đó còn là chiến thắng của lòng dân, một chiến thắng thuộc về nhân dân, trong đó có nhân dân Thủ đô Hà Nội, Thủ đô anh hùng, Thủ đô vì hòa bình.
Tuy nhiên, điều mà tôi cũng như rất nhiều người không hiểu được tại sao, lý do và động cơ gì mà ngay sau khi Ban Thi đua – Khen thưởng (Sở Nội vụ thành phố Hà Nội) công bố thông tin về việc lấy ý kiến nhân dân về dự kiến đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước và “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2022, Báo Dân trí tiếp tục cho đăng lại trên trang của mình clip ghi âm “Họ đang muốn xây dựng Trung Quốc thứ 2 trên Biển Đông” mà chính Báo này đã gỡ xuống ngày 11/01/2022. Đây là hành vi trêu ngươi, thách thức dư luận không thể tha thứ. Có thể nghe lại clip ghi âm này tại đường link của Báo Dân trí sau đây:
Khi viết những dòng này gửi về Ban thi đua – khen thưởng thành phố Hà Nội, tôi vẫn luôn mong sao Thủ đô Hà Nội, trái tim thân yêu của cả nước không tiếp tục có những vết thương làm vấy bẩn lên mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, làm xấu đi nét đẹp văn hóa, thanh lịch của người Tràng An, làm hoen ố thanh danh của Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình, cũng như làm ảnh hưởng đến uy tín của danh hiệu vinh dự “Công dân Thủ đô ưu tú” mà thành phố đã xây dựng, vun đắp hơn 10 năm nay như đã có những trường hợp được vinh danh không xứng đáng vừa qua. Đó là trường hợp “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2016, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn – Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, nay đã phải lĩnh án tù; hay như anh hùng LLVTND, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, nay cũng đang phải thụ án tù với những tội danh khi còn đương chức là UVTW Đảng, người đứng đầu chính quyền Thủ đô.
Chính vì những lẽ nêu trên, không thể vinh danh danh hiệu cao quí cho người không xứng đáng. Từ những cứ liệu đã được trình bày, trên quan điểm cá nhân, tôi có thể khẳng định rằng, Nguyễn Quốc Thước không xứng đáng được chọn là 01 trong 10 gương mặt “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2022, vì chính ông ta đã truyền bá những quan điểm cực kỳ phản động tôn vinh ngụy quân nhằm tìm kiếm tính chính danh cho ngụy quyền Sài Gòn hòng lật sử Cách mạng Việt Nam.
Thấm nhuần, quán triệt sâu sắc quan điểm của Chủ nghĩa Mác Lê nin, của Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh về lịch sử dân tộc ta, về tinh thần yêu nước xã hội chủ nghĩa, chúng ta quyết không cho phép những quan điểm phản động đòi tôn vinh cho ngụy quân nhằm chính danh cho ngụy quyền được hiện diện trong đời sống xã hội.
Dân tộc ta có bề dày lịch sử truyền thống anh hùng và văn hiến, với trách nhiệm đối với quá khứ, lịch sử, tổ tiên, trách nhiệm với tương lai và ngay cả hiện tại, chúng ta kiên định, đồng lòng đấu tranh không khoan nhượng với những âm mưu xét lại, viết lại, lật sử, để giữ gìn sự trong sáng, trung thực lịch sử hào hùng của dân tộc, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong đời sống xã hội, bảo vệ sự trường tồn của chế độ, sự cường thịnh của đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy rằng: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân…”.
Lời dạy đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị thực tiễn nóng hổi nhắc nhở trước hết là các cấp tổ chức của Đảng và Nhà nước phải tiếp tục triệt để đấu tranh để khắc phục, loại trừ ra khỏi hàng ngũ cán bộ Đảng và Nhà nước ta sự tha hóa, biến chất về chính trị, tư tưởng, những thành phần đang “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nhằm đẩy lùi nguy cơ lớn đang đe dọa sự sống còn của Đảng, của chế độ.
Nếu để cho nguy cơ đó tiếp tục tồn tại, gia tăng thì khó tránh khỏi dẫn đến sự sụp đổ của Đảng, của chế độ do biết bao công sức, mồ hôi và máu của chiến sĩ, đồng bào cả nước phấn đấu theo ngọn cờ độc lập và tự do tạo dựng nên.
Trân trọng
Đại tá Trịnh Lê Hoài Nam